Quả cầu Quảng trường Thời Đại
Quả cầu Quảng trường Thời Đại

Quả cầu Quảng trường Thời Đại

Quả cầu Quảng trường Thời Đại là một quả cầu thời gian đặt tại Quảng trường Thời ĐạiThành phố New York. Nằm trên nóc toà nhà One Times Square, quả cầu này là điểm nhấn của lễ đón Giao thừa tại Quảng trường Thời Đại, thường được biết đến với tên gọi Lễ thả quả cầu, khi đó quả cầu hạ độ cao 141 foot (43 m) trong 60 giây trên một cột cờ được thiết kế đặc biệt, bắt đầu từ lúc 11:59:00 đêm theo múi giờ Miền Đông (Bắc Mỹ) (EST) và hoàn tất vào đúng nửa đêm, đánh dấu thời khắc mở đầu của một năm mới. Trong những năm gần đây, trước lễ thả quả cầu thường diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi khác, ví dụ như các màn trình diễn âm nhạc cũng như các chương trình giải trí khác.Người đầu tiên tổ chức sự kiện này là Adolph Ochs, chủ báo The New York Times (Thời báo New York), tiếp sau một loạt những màn bắn pháo hoa giao thừa được ông tổ chức tại toà nhà trụ sở mới của báo Times; quả cầu do Artkraft Strauss thiết kế. Lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 31 tháng 12 năm 1907 để chào đón năm 1908, lễ thả quả cầu từ đó được tổ chức đều đặn hàng năm, trừ năm 1942 và 1943 do yêu cầu tắt đèn thời chiến.Thiết kế của quả cầu cũng được thay đổi qua các năm, phản ánh sự phát triển của công nghệ chiếu sáng; thiết kế ban đầu của quả cầu là bằng gỗ và sắt, được chiếu sáng bởi 100 bóng đèn sợi đốt, còn ngày nay quả cầu sử dụng một hệ thống chiếu sáng LED điều khiển bằng máy tính, bên ngoài lắp các tấm panel bằng pha lê hình tam giác. Từ năm 2009, quả cầu hiện tại được đặt trên nóc toà nhà quanh năm, ngoài ra còn có một phiên bản gốc nhỏ hơn từng được sử dụng năm 2008 được trưng bình trong trung tâm khách tham quan của Quảng trường Thời Đại.Sự kiện do Công ty giải trí Liên minh Quảng trường Thời Đại và lễ đếm ngược (Times Square Alliance and Countdown Entertainment), một công ty do Jeff Strauss đứng đầu,[1] tổ chức và là một trong những sự kiện đón mừng năm mới đáng chú ý nhất trên thế giới; có ít nhất một triệu người tham dự hàng năm và được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ vào lễ Giao thừa bởi một số mạng lưới truyền hình và truyền hình cáp.[2] Thành công của lễ thả quả cầu Quảng trường Thời Đại đã truyền cảm hứng cho một số chương trình "thả" tương tự ở một số sự kiện đón Giao thừa tại các địa phương trên khắp nước Mỹ; một số nơi cũng dùng các quả cầu, trong khi một số khác sử dụng những đồ vật khác phản ánh văn hoá hay lịch sử địa phương để thả.